Chỉ thị số 40-CT/TW: Tín dụng chính sách – ý Đảng lòng dân
Bài 2: Chính sách của Đảng – điểm tựa vững chắc của nhân dân
Sau gần một thập kỷ triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đã trở thành cứu cánh cho hàng chục ngàn gia đình ở Bình Thuận góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Bức tranh vùng nông thôn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang những gam màu mới; không chỉ là quy mô, chất lượng tín dụng tăng trưởng mà hơn thế, sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường và hội tụ, làm rạng sáng hơn một chính sách mang đầy tính nhân văn của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống…
“Không để ai bỏ lại phía sau”
Những ngày này, chị Ngô Thị Nhung, người dân tộc Nùng ở khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh vẫn miệt mài cùng chồng đi cạo mủ cao su từ nửa đêm. Vườn cao su cách nhà khá xa, hiện đang mùa mưa khiến công việc càng vất vả. Dù vậy, đôi vợ chồng trẻ vẫn không ngơi nghỉ, cố gắng, chăm sóc từng gốc cây cao su với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Chị Nhung tại vườn cao su gia đình
Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, chị Nhung chia sẻ: “Cũng nhờ vốn tín dụng chính sách, vườn cao su 600 cây của gia đình tôi không phải bỏ hoang, nay tôi còn xuống giống thêm được 400 cây nữa. Năm 2024 hai vợ chồng tôi mới cưới nhau, chúng tôi sống trong căn nhà tạm bợ, thiếu thốn đủ bề phải xoay sở đủ cách để sống qua ngày, từ nhặt củi, hái măng đến làm thuê. Cuộc sống khó khăn, nhất là khi con ốm đau, khiến ước mơ về một mái nhà ổn định ngày càng xa vời”.
Từ sự hỗ trợ từ Hội phụ nữ và Tổ Tiết kiệm và vay vốn thị trấn, chị đã được duyệt vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tánh Linh vào tháng 11/2022. Số vốn này giúp chị tập trung chăm sóc vườn cao su, nâng cao sản lượng và thu nhập. Vào tháng 12/2023, gia đình chị tiếp tục được vay 40 triệu đồng để xây nhà theo Nghị định 28, 40 triệu đồng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Cùng với số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân, sau bao nhiêu năm chờ đợi giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố đã trở thành hiện thực. “Gia đình tôi đã có được ngôi nhà mới, khang trang, các con có điều kiện để ở, để học tập, vợ chồng tôi được an lòng hơn”, chị Nhung tâm sự.
Vợ chồng chị Nhung trong căn nhà khang trang
Nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn của hội đoàn thể, cán bộ khuyến nông, vườn cao su của gia đình chị đạt năng suất cao, với thu nhập trung bình 90 triệu đồng/năm. Chị Nhung luôn trả lãi đúng hạn và gửi tiết kiệm để trả nợ gốc, đồng thời được công nhận là gia đình văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi. Không riêng chị Nhung, khu phố Tân Thành – khu phố đặc biệt khó khăn của thị trấn Lạc Tánh có 10 đồng bào DTTS sinh sống, nhờ các chương trình vay vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng trăm hộ dân trong khu phố thoát nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất và chăn nuôi.
Tương tự ông Nguyễn Đức Ái ở thôn Hiệp Tín, xã Tân Tiến (La Gi), luôn mơ ước con cái được học hành đầy đủ. Dù đất đai ít ỏi, thu nhập bấp bênh, khi nhận giấy báo đỗ đại học của 3 người con, ông không khỏi lo lắng về chi phí học tập. Nhờ chương trình tín dụng sinh viên của Nhà nước, cả 3 con ông đều tiếp tục theo đuổi ước mơ. Hai con trai tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, còn con gái út tốt nghiệp Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh hiện đã có việc làm ổn định và mang lại niềm tự hào cho gia đình.
Đây chỉ là 2 trong hàng ngàn câu chuyện về việc hỗ trợ người dân giảm nghèo, vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế trên toàn tỉnh. Các chương trình tín dụng CSXH đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp những người yếu thế vươn lên. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh. Đến nay, 100% thôn, khu phố trong tỉnh đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Trong 10 năm qua, nguồn vốn này đã giúp gần 30.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 37.000 lao động, hỗ trợ gần 19.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xây mới và cải tạo 273.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và xây dựng 711 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 về chính sách tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù. Đây là một chính sách nhân văn, giúp những người này có cơ hội vay vốn, sớm ổn định cuộc sống khi tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, NHCSXH tỉnh giải ngân hỗ trợ 60 trường hợp vay hơn 5,1 tỷ đồng.
Hỗ trợ đắc lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Trong hành trình giảm nghèo bền vững, tín dụng chính sách từ NHCSXH tỉnh đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng, hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua 10 năm, các chương trình vay vốn này đã giúp gần 30.000 hộ thoát nghèo và cận nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh từ 7,61% cuối năm 2014 xuống còn 5,58% vào đầu năm 2024, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,96% và hộ cận nghèo còn 3,62%.
Hiện có 74/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ghi nhận tại xã nông thôn mới nâng cao Mê Pu, trên cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch hè thu, anh Mai Hoàng Hải, Bí thư chi bộ thôn 4, chia sẻ rằng, từ khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, tổng dư nợ của thôn đã đạt 6,395 tỷ đồng, giúp 240 hộ dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại thôn giảm còn 2,58%, hộ cận nghèo còn 1,47%, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Người dân thôn 4 tích cực thi đua nâng chất lượng các tiêu chí nâng cao, cùng xã tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, giúp xã Mê Pu tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-CT/TW một lần nữa khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH có vai trò quan trọng trong tạo nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Bà Võ Thị Minh Thảo – Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Qua công tác kiểm tra, giám sát, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) nhận thấy người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước khi ngày càng nhiều các chính sách tín dụng khi ban hànhphù hợp thực tế. Ý thức vay vốn, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả nợ của người dân được nâng cao, góp phần giúp tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn hàng năm đạt trên 90%. Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tăng cường tham mưu cho các cấp ủy đảng trong việc chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH. Tập trung huy động nguồn lực, bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH theo chiến lược phát triển đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động tại các điểm giao dịch xã, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
…Với những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng CSXH đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.”
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đánh giá tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW (ảnh internet)
THANH DUYÊN