Chỉ thị số 40-CT/TW: Tín dụng chính sách – ý Đảng lòng dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đời sống nhân dân. Nếu dân đói, rét, dốt hay ốm thì Đảng và Chính phủ đều có lỗi. Từ quan điểm này, Đảng và Nhà nước luôn triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập năm 2002 để thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, với sứ mệnh cung cấp tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhằm nâng cao hiệu quả, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 (Chỉ thị số 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đây là giải pháp sáng tạo, chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân

Bài 1: Kết nối sức mạnh cả hệ thống chính trị: Đồng lòng chăm lo cho dân

Sau hơn 22 năm hoạt động, đặc biệt hơn 10 năm thực hiện Nghị Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội khẳng định vai trò là một trong những quyết sách lớn cầu nối quan trọng giữa ý Đảng và lòng Dân. Tại Bình Thuận, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng và chính quyền đã thể hiện rõ qua các cách làm sáng tạo và hiệu quả. Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách phát huy hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thông qua Chương trình hành động 33-NQ/TU và Kế hoạch 41-KH/TU, đồng thời UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể. Các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị – xã hội (CTXH) từ tỉnh đến cơ sở đều nhận thức sâu sắc vai trò của tín dụng chính sách trong việc giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các cơ quan chức năng trong việc quản lý và triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt hiệu quả cao, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.


Ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể cá nhân đóng góp thực hiện Chỉ thị 40. Ảnh: Ngọc Lân

Xã Trà Tân, huyện Đức Linh đang hướng đến mục tiêu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Nhờ các chương trình vay vốn cho hộ nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh viên, số hộ khá và giàu ngày càng tăng.

Đặc biệt, tại thôn 4 – nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Châu Ro, hiện chỉ còn 10 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Tổng dư nợ tín dụng chính sách tại thôn 4 đạt hơn 10 tỷ đồng, giúp bà con phát triển chăn nuôi và trồng trọt, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3%, không có hộ tái nghèo. Ông Đỗ Đức Anh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trà Tân, cho biết: “Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, xã đã phối hợp hiệu quả với NHCSXH huyện, triển khai các chương trình cho vay với tổng vốn khoảng 42 tỷ đồng, đảm bảo đúng đối tượng. Đảng ủy xã chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng vốn và định hướng phát triển kinh tế phù hợp cho bà con. Đồng thời, xã phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, thu mua nông sản, đảm bảo chất lượng và giá cả, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền.”


Nguồn vốn giải quyết việc làm giúp bà con đồng bào Châu Ro buôn bán

Nhìn ra toàn huyện Đức Linh, theo Huyện ủy Đức Linh, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, chính sách tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một “trụ cột” quan trọng trong công tác giảm nghèo, giúp cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững, đồng thời đẩy lùi tín dụng đen. Tổng dư nợ tín dụng chính sách hiện đạt 517,569 tỷ đồng, tăng 256% so với năm 2014, với 12.653 khách hàng vay vốn. Giai đoạn 2014-2024, NHCSXH huyện đã giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% xuống còn 1,96%. Huyện hiện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã đạt chuẩn nâng cao.

Hoạt động tín dụng CSXH luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ còn 18.924 triệu đồng, chiếm 0,38% tổng dư nợ, thấp hơn mức bình quân cả nước. Chính quyền địa phương đã thực hiện công khai, minh bạch trong việc xét duyệt đối tượng vay vốn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, từ đó thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Các chương trình phát triển nông nghiệp, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm được lồng ghép hiệu quả với hoạt động tín dụng chính sách và các tổ chức CT-XH đã hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và hướng dẫn sản xuất cho các hộ vay vốn. Nhờ đó, người dân sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội (CT-XH) theo tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, toàn tỉnh hiện có 478 hội cấp xã nhận ủy thác. Hiện 4 tổ chức CT-XH quản lý 2.353 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 4.858.845 triệu đồng cho 116.127 hộ, chiếm 99,84% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh, tăng 190,6% so với năm 2014.

Huy động nguồn lực cho tín dụng CSXH

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, công tác tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.  Từ 12 chương trình tín dụng năm 2014, hiện nay Bình Thuận đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách. Trong giai đoạn 2014-2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 299.988 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số cho vay đạt 9.004 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 4.877 tỷ đồng, tăng 189,7% và tổng dư nợ đạt 4.866,7 tỷ đồng, tăng 190,2% so với năm 2014. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tập trung vào nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững. Các chương trình tín dụng được tích hợp vào ngân sách nhà nước và các dự án phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030.

Dù ngân sách còn khó khăn, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH 199,64 tỷ đồng trong 10 năm qua, nâng tổng vốn ủy thác lên 364,682 triệu đồng, tăng 16,7 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Ngày 5/7/2024, tỉnh tiếp tục bổ sung 110 tỷ đồng để cho vay theo Nghị quyết 111/2024/QH15 và Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Đồng thời, NHCSXH tỉnh đã triển khai phong trào “Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo,” huy động hơn 164 tỷ đồng từ 5.000 khách hàng giai đoạn 2022-2024, nâng tổng số dư tiền gửi lên gần 630 tỷ đồng, chiếm 12,92% tổng nguồn vốn và tăng 4,55 lần so với năm 2014. Việc huy động nguồn lực cho tín dụng CSXH cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương mà còn mở ra cơ hội mới cho hàng ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật về tín dụng CSXH. Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh việc tiếp tục huy động nguồn lực từ NHCSXH và ngân sách địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền và vận động tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình tiên tiến và cách làm hiệu quả từ cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH cần đẩy mạnh hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích và đảm bảo khả năng trả nợ. Đối với NHCSXH tỉnh tiếp tục cải thiện mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH, duy trì chất lượng tại các Điểm giao dịch xã, và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW tại Bình Thuận

Kỳ 2: Chính sách của Đảng – điểm tựa vững chắc của nhân dân



Liên kết website: