Vừa giảm nghèo, vừa bảo đảm an sinh
Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, từ một huyện miền núi không đủ ăn, đến nay huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã có mức lương thực bình quân đầu người cao nhất tỉnh; thu nhập bình quân đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân được cải thiện. “Kết quả đó, có một phần công sức của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH)” – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
“Ăn kiêng – mặc model”
Ít ai nghĩ rằng, “tinh thần thời thượng” này lại được cặp vợ chồng nông dân: Ông Trần Ngọc Anh (55 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngân (53 tuổi) ở khu phố Lạc Thủy, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, Bình Thuận “phát minh”.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, năm 1988 ông Trần Ngọc Anh rời quê hương vào Tánh Linh lập nghiệp và xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Ngân. Hồi tưởng lại những ngày đầu đến vùng đất khô cằn này, ông Trần Ngọc Anh cho biết, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, hai vợ chồng làm lụng vất vả cả ngày cũng không dư giả. Việc lo cơm ăn, áo mặc đến chuyện học hành của các con, khiến vợ chồng ông Ngọc Anh trằn trọc hết đêm này qua đêm khác để tìm hướng thoát nghèo.
Bước ngoặt đến khi năm 2014, hai vợ chồng ông Ngọc Anh được NHCSXH Tánh Linh cho vay 25 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm vùng khó khăn. Nhờ đó, vợ chồng ông đã mua thêm được 2 con hươu, nâng đàn hươu lên 4 con, trong đó có một con đực để nhân giống. Vậy là mỗi ngày, ngoài trồng cỏ, nuôi bò, gia đình ông Ngọc Anh còn chăm sóc 4 con hươu. Cùng với đó, các con của ông bà Anh – Ngân cũng được đến trường học tập bằng chính nguồn vốn ưu đãi học sinh, sinh viên của ngân hàng. Và “Chỉ sau gần 2 năm, đàn hươu không chỉ giúp chúng tôi thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn mang lại cho gia đình khoản thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm” – ông Ngọc Anh cho biết.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của đồng vốn tín dụng chính sách, bà Phạm Thị Lựu, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn khu phố Lạc Thủy, thị trấn Lạc Tánh cho biết, gần 20 năm làm công tác dẫn vốn cho NHCSXH Tánh Linh, bà Lựu đã tận mắt chứng kiến 20 hộ nghèo trong Tổ mình phụ trách, đã từng bước vượt qua đói nghèo bằng những khoản vay nhỏ như thế nào. “Không chỉ người nghèo, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng biết ơn một chính sách nhân văn mà Chính phủ, NHCSXH đã mang lại cho họ” – bà Lựu nói.
Không chỉ người có tuổi như ông Ngọc Anh và bà Ngân, mà ngay cả những người trẻ như chị Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh năm 1991 ở xã Măng Tố, huyện Tánh Linh cũng khởi nghiệp thành công với khoản vay ưu đãi của NHCSXH. Chị Vân tâm sự, năm 2015, được sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã Măng Tố, chị mạnh dạn vay 40 triệu đồng của NHCSXH Tánh Linh để đầu tư mua máy may. Sau hơn 3 năm, xưởng may gia công của chị Vân đã được mở rộng lên 700m2 với hơn chục máy may. Khoản vay tuy nhỏ, nhưng dưới sự năng động của chị Vân, nó đã trở thành sức mạnh giúp gia đình chị vượt qua cái nghèo, có việc làm và cuộc sống ổn định. Quan trọng hơn, sự thành công của chị Vân được ví như đầu tàu, đang kéo theo 8 mảnh đời khó khăn khác cùng vươn lên ổn định cuộc sống.
Dân sẽ lợi khi tất cả cùng đồng hành
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Thuận Phạm Anh Đức cho biết, hơn 15 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của NHCSXH Việt Nam và sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn. Sự phối hợp của các sở, ban ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã mang lại kết quả to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngoài việc nhận được sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn từ NHCSXH Trung ương, những năm gần đây, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Nguồn vốn bổ sung năm sau cao hơn năm trước, và đến nay đạt 38 tỷ đồng. “Với một địa phương đang nhận sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì đây là sự cố gắng lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận trong việc cân đối, bố trí ngân sách hàng năm” – Giám đốc Phạm Anh Đức nói.
Với nguồn vốn ngân sách địa phuơng ủy thác, chi nhánh NHCSXH Bình Thuận tập trung cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo để tạo điều kiện cho hộ nghèo tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chi nhánh cho các hộ cư trú tại các phường và thị trấn vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người dân, tạo mỹ quan cho đô thị.
Chia sẻ thêm về nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những kết quả trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an ninh và xây dựng nông thôn mới… mà tỉnh đạt được đều có dấu ấn của đồng vốn tín dụng chính sách. Vì thế, chúng tôi luôn tìm cách để làm sao cân đối được nguồn vốn để ủy thác sang NHCSXH. Nếu không nhiều, thì cũng không thể nằm thấp được!” – Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng quả quyết.
Tín dụng chính sách do NHCSXH Bình Thuận thực hiện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 14,96% xuống 4,57% (giai đoạn 2001 – 2005); từ 13,58% xuống 3,90% (2006 – 2010); từ 9,09% xuống còn 2,52% (2011 – 2015) và trong thời kỳ 2016 – 2020 giảm và từ 5,81% xuống còn 3,67% thời điểm cuối năm 2017.
Bài và ảnh: Bình Nhi (daibieunhandan.vn)