Nỗ lực đáp ứng nhu cầu vốn vay tín dụng chính sách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa vừa chủ trì cuộc họp Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh về đánh giá công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung, ủy thác Ngân hàng CSXH cho vay quý I/2020 đạt 15,2 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh cấp bổ sung 5 tỷ đồng và 9/10 huyện, thị xã thành phố cấp bổ sung 10,2 tỷ đồng, hoàn thành 66,2% chỉ tiêu được giao theo QĐ 2572 của UBND tỉnh.

Tổng nguồn vốn thực hiện đến 31/3/2021 đạt 3.018 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác: 108,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,6%/tổng nguồn vốn, tăng 15,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 101,8% chỉ tiêu Trung ương giao trong năm 2021. Tổng dư nợ thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách đạt 3.008 tỷ đồng với trên 100 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính đang còn dư nợ, hoàn thành 25,6% kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm.

Dư nợ tập trung một số chương trình tín dụng: Nước sạch và vệ sinh môi trường (770 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng dư nợ), hộ mới thoát nghèo (589 tỷ đồng, chiếm 19,6%), hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (435 tỷ đồng, chiếm 14,5%), học sinh sinh viên (396 tỷ đồng, chiếm 13,2%), hộ cận nghèo (361 tỷ đồng, chiếm 12%),…

Thời gian tới, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, huyện tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quý II/2021, trong đó hoàn thành trên 60% kế hoạch nguồn vốn huy động, tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% kế hoạch trở lên, nợ quá hạn giảm so với đầu năm và tỷ lệ đạt dưới 0,37%.

Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị Tổng Giám đốc NHCSXH tiếp tục quan tâm cân đối bổ sung thêm nguồn vốn các chương trình theo kế hoạch chi nhánh đã xây dựng, nhất là nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tại cuộc họp, các đại biểu góp ý kiến xung quanh Đề án thực hiện tín dụng chính sách từ nguồn vốn trung ương giao và nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho vay, giai đoạn 2021 – 2025.

Thống nhất cao đánh giá kết quả, phương hướng, giải pháp thực hiện năm 2021 mà Ngân hàng CSXH báo cáo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa lưu ý: Khó khăn nhất hiện nay là nhu cầu vốn tại địa phương, trong khi đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại; đồng thời lưu ý khả năng trả nợ, gia hạn nợ. Đối với Đề án thực hiện tín dụng chính sách từ nguồn vốn trung ương giao và nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho vay, giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng CSXH tổ chức lấy ý kiến các sở liên quan Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Lao động – Thương binh và xã hội về khả năng cân đối nguồn vốn sau đó hoàn chỉnh dự thảo Đề án báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, tham mưu Tỉnh ủy xem xét.

Thanh Duyên – Báo Bình Thuận



Liên kết website: