Hiệu quả mô hình kinh tế đa canh ở Tân Phúc
Tại xã Tân Phúc (Hàm Tân), 3 thanh niên Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Hà Dol ở thôn 4 đã liên kết, góp vốn phát triển tổ hợp tác trồng trọt kết hợp chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Khánh – thành viên tổ hợp tác miệt mài bám vườn nhãn rộng 1,5 ha chăm sóc cây sau thu hoạch. Anh Khánh chia sẻ: “Công việc cần thiết sau thu hoạch là cắt tỉa cành vừa giúp vườn cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển mà còn giúp cây nhanh chóng hồi phục sức khỏe để cho năng suất cho vụ sau”. Vừa nói tay anh thoăn thoắt tiến hành cắt tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành khô, cành ốm yếu, cành vượt bị che khuất ánh sáng và những cành mọc sà mặt đất. Vườn nhãn của anh Khánh đã trồng được khoảng 4 năm, đã cho thu hoạch những lứa trái đầu tiên. Nhãn cho thu hoạch một vụ mỗi năm vào tháng 9. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết không thuận lợi với mưa kéo dài làm rụng bông và thối bông, giảm tỷ lệ đậu trái. Bên cạnh đó, giá nhãn cũng giảm xuống còn 15.000 đồng/kg so với mức 20.000 – 25.000 đồng/kg vào các năm trước, khiến thu nhập thấp hơn. Dù vậy, các thành viên trong tổ vẫn kiên trì chăm sóc, hy vọng vào vụ mùa bội thu khi vườn cây đạt độ chín.
Bên cạnh trồng nhãn, các thành viên còn kết hợp chăn nuôi heo rừng lai, chồn hương trong khu chuồng trại rộng 130 m² và nuôi gà thả vườn. Tận dụng diện tích vườn nhãn, họ thả gà chạy đồi trong vườn nhãn tận dụng không gian chăn nuôi và giảm chi phí thức ăn nhờ việc bổ sung các phế phẩm nông nghiệp như bắp, củ mì khô…
Anh Khánh kể lại, tổ hợp tác bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2020 với mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế khép kín, bao gồm chăn nuôi heo rừng lai, chồn hương, gà thả và trồng nhãn. Nhưng bước đầu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và thời tiết khô hạn. Khó khăn lớn nhất là kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc vật nuôi trong điều kiện thời tiết khô hanh, cùng với việc chọn con giống và phòng bệnh. Những thất bại ban đầu đã khiến nhóm không tránh khỏi nản lòng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và tâm huyết, các thành viên đã chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại lân cận và tìm hiểu các phương pháp chăm sóc gà, heo rừng lai. Việc tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp nhóm nhanh chóng nâng cao kỹ thuật canh tác và chăn nuôi, từng bước đem lại lợi nhuận ổn định.
Gần 4 năm bền bỉ, quy mô mô hình ngày càng mở rộng với diện tích trồng nhãn tăng lên 4,5 ha, khu chuồng nuôi heo rừng 130 m², và gà được thả tự do trong vườn nhãn để tạo môi trường tự nhiên, giúp giảm chi phí thức ăn và tăng chất lượng thịt. Các sản phẩm nông sản và chăn nuôi từ tổ hợp tác, như gà thả vườn và heo rừng, đã nhanh chóng được tiêu thụ tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trong và ngoài huyện. Mỗi đợt xuất chuồng mang lại thu nhập từ 30-40 triệu đồng, phân chia lợi nhuận đầy đủ cho các thành viên.
Để hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình, trong năm 2024, Huyện đoàn Hàm Tân đã hướng dẫn tổ hợp tác làm hồ sơ vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Tân. Sự hỗ trợ từ địa phương là động lực quan trọng giúp mô hình tổ hợp tác này phát triển vững chắc, trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào “lập thân, lập nghiệp” của thanh niên tại địa phương.
CÁT TƯỜNG – BÁO BÌNH THUẬN