Bình Thuận: Tập trung giải ngân kịp thời nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm

Đến nay, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Thuận vẫn tập trung giải ngân kịp thời nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến người lao động theo Nghị quyết 11 và Nghị quyết số 181/NQ-CP của Chính phủ ngày 02/11/2023.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, Lý Khầu Nghĩa cho hay, thực hiện các văn bản triển khai cho vay của Tổng Giám đốc NHCSXH, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các công văn chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện phối hợp với NHCSXH trong việc rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vay vốn và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến đối tượng thụ hưởng, tập trung triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Minh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Bình Thuận chỉ đạo tại cuộc họp Ban đại diện HĐQT quý III-2023 (Ảnh: Minh Sáng)
Đối với việc thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được NHCSXH giải ngân trong giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết 11/NQ-CP, UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp với NHCSXH triển khai thực hiện nhằm kịp thời hỗ trợ lãi suất đến các khách hàng vay vốn tại NHCSXH.

Trên cơ sở kế hoạch vốn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và đề xuất nhu cầu vốn của các sở, ngành có liên quan, chi nhánh NHCSXH tỉnh báo cáo UBND tỉnh phê duyệt trình Trung ương kế hoạch nhu cầu vốn 5 chương trình tín dụng, số vốn được giao cho tỉnh Bình Thuận thực hiện trong năm 2022, 2023 là 633,3 tỷ đồng.

Căn cứ chỉ tiêu được Trung ương giao cho tỉnh, tỉnh giao cho các huyện, thị xã và thành phố, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng, tập trung triển khai cho vay 5 chương trình tín dụng chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Khách hàng giao dịch tại NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Minh Sáng)
Tình hình giải ngân các chương trình, từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2023, các huyện, thị xã và thành phố đã giải ngân 574,1 tỷ đồng/9.122 khách hàng. Trong đó: Cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn: 16 tỷ đồng, để mua trên 1,1 ngàn máy vi tính và thiết bị học tập; Cho vay nhà ở xã hội 125,3 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 261 căn nhà ở xã hội; Cho vay hỗ trợ việc làm 375,4 tỷ đồng, với 6.986 khách hàng được vay giải quyết tạo việc làm; Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập: 6 tỷ đồng, đến 73 cơ sở giáo dục để sữa chữa trường, lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học; Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 51,4 tỷ đồng, đến 671 hộ để xây dựng nhà để ở và sản xuất kinh doanh.

Dư nợ thực hiện tăng trưởng 5 chương trình tín dụng đến ngày 29/11/2023 là 548 tỷ đồng đạt 86,5% kế hoạch giao, chỉ tiêu còn thực hiện do Trung ương mới giao đầu tháng 11/2023 (260 tỷ đồng), Chi nhánh sẽ thực hiện và hoàn thành trong tháng 12/2023.

Thực hiện hỗ trợ lãi suất, đến ngày 31/10/2023, NHCSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 2.273 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ lãi suất hơn 42 tỷ đồng.

Kết quả, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, NHCSXH tỉnh, cấp huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga đánh giá tích cực về chương trình cho vay hỗ trợ việc làm của NHCSXH tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Minh Sáng)
Nhớ về những ngày “rát mặt’ bám chợ mà vẫn không đủ tiền trang trải trong gia đình có năm nhân khẩu, chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (thường trú thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết) kể: Gia đình chị Nga sống chủ yếu nhờ trồng hoa màu. Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, việc buôn bán tuy không dư giả nhiều nhưng cũng đủ no ấm. Rồi dịch Covid-19 làm đảo lộn hoàn toàn, việc buôn bán ế ẩm, thu nhập cũng vì thế mà “teo tóp” dần.

Vào lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như không cầm cự nổi, chính quyền địa phương đã giới thiệu với chị Nga về NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, để tiếp cận khoản vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Như vớ được “chiếc phao”, chị Nga bàn với chồng sẽ vay vốn để chuyển sang chăn nuôi, phát triển đàn heo, để ổn định sinh kế.

Tháng 4/2023, NHCSXH đã giải ngân cho chị Nga vay với số tiền 70 triệu đồng. Nhờ vào số tiền này, từ đàn heo 40-50 con giống, chị Nga đã bán được 1 lứa heo thịt, thu về khoảng 70 triệu đồng.

Chị Nga nói, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền xã Tiến Lợi và NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, đến nay gia đình chị đã có được công việc và cuộc sống ổn định.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga giới thiệu về sinh kế mới, với đàn heo của gia đình (Ảnh: Minh Sáng)

Đến nay, NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành công tác hỗ trợ lãi suất, kế hoạch tín dụng hoàn thành trên 86% và dự kiến trong tháng 12/2023, sẽ hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Chỉ tính riêng kế hoạch cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, NHCSXH TP. Phan Thiết và các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, La Gi, Phú Quý đã hỗ trợ vốn cho gần 7.000 người lao động gặp khó khăn về sinh kế, với số tiền trên 357 tỷ đồng.

Và chắc chắn, cơ hội an sinh sẽ còn đến với nhiều người hơn nữa…

Trung Dũng – Sông Hương – congly.vn



Liên kết website: