Giám đốc chi nhánh kiểm tra hoạt động Điểm giao dịch xã Đa Mi – Hàm Thuận Bắc
Trong những năm qua, với mạng lưới 17 Điểm giao dịch được tổ chức tại 17 xã, thị trấn, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện nói chung và hoạt động tại các Điểm giao dịch xã nói riêng ngày càng đi vào ổn định, các nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Sáng ngày 20/11/2018, trong chuyến công tác tại huyện Hàm Thuận Bắc, ông Phạm Anh Đức, Thành viên Ban đại diện HĐQT, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Thuận và các thành viên trong đoàn gồm có ông Lý Khầu Nghĩa, Trưởng phòng Kiểm tra kiểm toán nội bộ, bà Lê Thị Trang Oanh, Phó phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ kiểm tra tình hình hoạt động và cùng tham gia họp giao ban tại Điểm giao dịch xã Đa Mi. Ở địa phương, tiếp và làm việc với đoàn có lãnh đạo PGD NHCSXH huyện, lãnh đạo UBND xã Đa Mi, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác xã và đại diện Ban quản lý các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Qua báo cáo của địa phương thì Đa Mi có 04 thôn, là xã khu vực II theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn xã có 1.129 hộ/4.306 khẩu, hộ nghèo còn 66 hộ chiếm tỉ lệ 5,85%, hộ cận nghèo còn 89 hộ chiếm tỉ lệ 7,88%. Trong 10 tháng đầu năm, tại địa bàn xã Đa Mi, PGD NHCSXH huyện đã giải ngân 3.146 triệu đồng/145 hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tổng dư nợ vay đến nay là 15.018 triệu đồng với 519 hộ còn dư nợ.
Ông Phạm Anh Đức – Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh kiểm tra tình hình hoạt động tại Điểm giao dịch xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc
Tuy nhiên khó khăn hiện nay của Đa Mi là địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung gồm nhiều thành phần từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều trường hợp hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của xã…
Tại buổi họp giao ban, NHCSXH cũng đã nghe đại diện lãnh đạo UBND xã, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác xã, các Tổ TK&VV nêu những thuận lợi, khó khăn, những đề xuất, kiến nghị của địa phương liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Phát biểu kết luận tại buổi họp giao ban, ông Phạm Anh Đức, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, thống nhất với một số đề xuất, kiến nghị và giải pháp của địa phương liên quan đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách như: Căn cứ tình hình chất lượng tín dụng trên địa bàn, UBND xã có thể mời thêm thành phần Trưởng thôn về tham gia họp giao ban để nắm tình hình, có biện pháp phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ phận có liên quan trong việc xử lý những trường hợp hộ bỏ đi hoặc có dấu hiệu bỏ đi khỏi nơi cư trú…
Bên cạnh đó, Giám đốc tỉnh cũng chỉ đạo trong thời gian đến, PGD NHCSXH huyện Hàm Thuận Bắc phải tích cực phối hợp địa phương triển khai các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn xã Đa Mi. Cụ thể như đối với hoạt động bình xét cho vay cần phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, có phương án sản xuất khả thi; đối với việc xử lý thu hồi nợ quá hạn thì tổ TK&VV, Hội đoàn thể nhận ủy thác cần tập trung đôn đốc hộ vay thực hiện trả nợ, trả lãi theo quy định, kiên quyết xử lý những trường hợp chây ỳ; đối với những trường hợp bỏ đi khỏi nơi cư trú thì PGD NHCSXH huyện phối hợp với địa phương tiến hành rà soát và có kế hoạch xử lý đặc biệt là đối với những trường hợp đã biết rõ địa chỉ nơi đến…
Thay mặt lãnh đạo xã, ông Nguyễn Anh Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH tỉnh đồng thời cam kết trong thời gian đến sẽ tiếp tục quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách, thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với PGD NHCSXH huyện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được UBND huyện giao cho xã Đa Mi trong năm 2018 và những năm tiếp theo./.
Duy Tiến