Trên 42 triệu lượt hộ nghèo cả nước được vay vốn tín dụng chính sách
Trong 20 năm qua, cả nước có 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay 830.087 tỷ đồng. Đó là thông tin tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 78) vừa diễn ra.
Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Tại điểm cầu Bình Thuận, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, hiện nay, cả nước có gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 ngàn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 ngàn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 ngàn căn nhà ở xã hội, gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước từ 17% vào năm 2001 xuống còn 2,23% năm 2021.
Tại Bình Thuận, qua 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 3.678 tỷ đồng, tăng gấp 26 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai 18 chương trình tín dụng, chính sách ưu đãi. Tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2022 đạt 3.670 tỷ đồng với 105 ngàn khách hàng còn dư nợ, tăng 3.536 tỷ đồng so với năm 2002, tốc độ tăng bình quân hàng năm 132,5%… Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 61,3 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 67 ngàn lao động được tạo việc làm, trên 65 ngàn lượt học sinh sinh viên (HSSV) khó khăn vay vốn học tập, 341,5 ngàn công trình nước sạch vệ sinh môi trường được cải tạo và xây mới và gần 4,1 ngàn ngôi nhà cho hộ nghèo, 287 căn nhà cho người có thu nhập thấp được hỗ trợ xây dựng và gần 14 ngàn lượt người lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc…
Từ đồng vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo trong tỉnh vươn lên
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đạt được trong 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78. Đặc biệt, sau 8 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác và NHCSXH tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Kết luận số 06, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, phát huy hiệu quả mô hình hoạt động riêng có của NHCSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách…
T.DUYÊN