Hàm Cần: Nâng cao đời sống phụ nữ nhờ nguồn vốn vay
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) đã tích cực triển khai hỗ trợ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến hội viên, phụ nữ khó khăn trên địa bàn. Từ nguồn vốn ưu đãi này giúp nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.
Vừa nhận gần 30 triệu đồng tiền bán thanh long, chị Nguyễn Thị Mỹ Bông (thôn 3) phấn khởi: “Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thanh long được giá nên đỡ vất vả cho nhà nông. Sau khi trừ tiền phân thuốc, tiền trường cho con, gói ghém thì còn dư mấy triệu”. Từ diện hộ nghèo, nhà ở tạm bợ, đến nay gia đình chị có cơ ngơi là 600 trụ thanh long, nhà kiên cố và 3 đứa con ăn học, cuộc sống ngày càng tốt hơn. Theo chị, có được vậy cũng nhờ vào nguồn vốn vay được từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Mỗi đợt chị được vay từ 30 – 50 triệu đồng để mua phân, xuống trụ, hạ bình để chăm sóc mì và thanh long.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Bông thăm vườn thanh long
Không những gia đình chị Bông, mà tại tổ vay vốn thôn 3 còn có rất nhiều hội viên được vay chăn nuôi trâu, dê, heo, trồng thanh long. Từ hộ nghèo vươn lên cận nghèo, rồi hộ có thu nhập khá. Họ đều cho rằng, nguồn vốn của NHCSXH đóng vai trò quan trọng, giúp hội viên phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hàm Cần cho biết: Là địa phương xa trung tâm huyện, địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao đặt ra không ít thách thức trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Cùng với chính sách hỗ trợ từ các nguồn giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thì đồng vốn vay từ NHCSXH như “chiếc phao” để họ nương vào. Trong đó hiện nay Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nhận ủy thác gần 22 tỷ đồng với 7 tổ vay vốn/369 hội viên được vay.
Để quản lý nguồn vay này không hề đơn giản. Nhưng theo đánh giá của bà Trần Thị Ngọc Minh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hàm Cần là một trong những tổ chức đoàn thể quản lý tốt nguồn vốn vay và không để xảy ra nợ quá hạn.
Thực hiện được điều này, bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ: “Hội luôn thực hiện công tác tuyên truyền quy định của NHCSXH về hoạt động tín dụng, công việc nhận ủy thác, tham gia trực giao dịch cùng cán bộ ngân hàng tại điểm giao dịch xã hàng tháng nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đến giao dịch được thuận lợi. Các tổ vay vốn đều sinh hoạt đều đặn, bình xét vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng và thường xuyên theo dõi, nhắc nhở hộ vay. Cùng với đó, vận động, hướng dẫn hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm nhằm tạo lập nguồn vốn”.
Ngoài ra, hàng năm Hội Phụ nữ xã đều phối hợp cho hộ vay tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn. Nhờ thế, nhiều hộ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, trồng mì kháng bệnh, chăm sóc thanh long, chăn nuôi bò… hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn 155 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó đa phần là hộ già yếu, neo đơn.
T.LINH