Hiệu quả triển khai thực hiện chỉ thị 40-CT/TW tại Bình Thuận

Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Bình Thuận đã khởi sắc, việc triển khai thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.


Hoạt động Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thôn, khu phố đã quan tâm đến Tín dụng chính sách xạ hội và hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính và tổ chức chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH, của tổ chức chính trị xã hội, của Hội đồng nhân dân các cấp , của Đoàn Đại biểu quốc hội; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tín dụng chính sách, thường xuyên rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo để bình xét vay và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Thuận phối hợp tốt với các sở , ngành , các tổ chức chính trị xã hội đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, ý kiến chỉ đạo của cấp trên, phối hợp với Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hướng dẫn người vay cách làm ăn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; kịp thời phát hiện các sai sót, tập trung xử lý kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động NHCSXH tại địa phương. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ NHCSXH.


Thành viên BĐD Tỉnh kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại huyện Bắc Bình

Ngoài ra, UBND Tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm bố trí đất cho chi nhánh Tỉnh, các PGD NHCSXH cấp huyện để xây dựng trụ sở khang trang, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả giải quyết công việc.

UBND các xã đã tạo điều kiện cho các PGD NHCSXH cấp huyện mở 127 điểm giao dịch / 127 xã phường, thị trấn công khai đầy đủ các chủ trương, chính sách tín dụng, giúp người dân tiếp cận nhanh các dịch vụ của ngân hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, trang trải chi phí học tập,giải quyết việc làm tại chỗ, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường… Tiết giảm chi phí đi lại và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, nâng cao vai trò chính trị của các tổ chức Hội đoàn thể ở địa phương.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đã vận động các tổ chức, cá nhân tập trung các nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Công tác phối hợp giữa các Sở ngành, chính quyền các cấp, NHCSXH và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ trong việc chuyển tải và thu hồi vốn gắn với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được củng cố và nâng cao.

– Hơn 2.380 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 710 Trưởng thôn, khu phố, 568 cán bộ hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã và 127 Chủ tịch UBND cấp xã hàng năm đều được tập huấn, nắm bắt kịp thời về chủ trương, chính sách và nghiệp vụ tín dụng chính sách xã hội.


NHCSXH và Hội CCB tỉnh phối hợp tập huấn và triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã phủ khắp đến 100% các thôn, khu phố trong toàn tỉnh;

Vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hiện có 14,4 ngàn hộ tiếp cận 337 tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, hạn chế tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hạn chế tình trạng học sinh sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.

Trong 5 năm qua đã tạo điều kiện cho 140.800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với số tiền: 3.150 tỷ đồng tăng 1.090 tỷ, tỷ lệ tăng 53 % so với năm 5 trước khi có Chỉ thị ; thu hồi vốn đạt 2.201 tỷ đồng. Đến 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.608 tỷ đồng với trên 100.200 hộ chiếm 33% số hộ trên địa bàn tỉnh, dư nợ tăng 943 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 56,7%, nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,62 %/tổng dư nợ, giảm 0,2% so với cuối năm 2014.

-Vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 36,1 tỷ đồng, tăng 195,1% so với nguồn ngân sách ủy thác trước khi có Chỉ thị, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương lên 60,9 tỷ đồng , chiếm tỷ lệ 2,33% tổng nguồn vốn. Với hơn 5.120 công trình nước sạch và 3.742 công trình vệ sinh tại các phường, thị trấn được lắp đặt và xây dựng từ nguồn vốn này . Ngoài ra, giai đoạn 2014 đến nay, UBND tỉnh và các huyện Đức Linh, Phú Qúy và thị xã La Gi quan tâm cấp đất xây dựng trụ sở với tổng giá trị là 8,1 tỷ đồng.

Trong 05 năm (2014 – 2019), nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 28 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 6,6 ngàn lao động; giúp trên 9,7 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 56 ngàn công trình nước sạch và 52 ngàn công trình vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng nhà để ở giai đoạn 2 cho 116 hộ nghèo; gần 10 ngàn hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vốn vay cho 1.348 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Thông qua nguồn vốn ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo nước sạch, vệ sinh, sửa nhà, cho con đi học… góp phần an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, từng bước thoát nghèo và đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn góp phần cho toàn tỉnh đạt 56/96 xã Nông thôn mới, chiếm 58,3%.

5 năm qua có thể nói: Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã nhận thức rõ hơn, quan tâm hơn về tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

– Việc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW tại Bình Thuận chưa được thực hiện đầy đủ và đều khắp, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; Tín dụng chính sách còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý nợ đối với các trường hợp cả gia đình hộ vay bỏ địa phương đi làm ăn xa hoặc bán nhà đi khỏi nơi cư trú. Một số trường hợp học sinh sinh viên vay vốn khi ra trường chưa có việc làm hoặc đi làm ăn xa không có ý thức trả nợ gây nhiều khó khăn cho công tác thu hồi nợ. Nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền chính sách, công tác rà soát, điều tra cập nhật hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh còn chậm; các tổ chức nhận uỷ thác ở một số nơi chưa bao quát toàn diện đến các công đoạn được uỷ thác, nhất là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động của các tổ, khả năng quản lý vốn chưa cao; Một bộ phận hộ vay mới thoát nghèo, đã đến hạn trả nợ nhưng phát sinh tâm lý không muốn trả nợ do khó tiếp cận với vốn vay các Ngân hàng Thương mại.

– Chất lượng một số phiên họp của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện còn hạn chế, như: Chưa đi sâu vào kiểm điểm việc triển khai thực hiện Nghị quyết, quyết định của cấp trên, chưa đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát của các thành viên và tình hình thực hiện nhiệm vụ của NHCSXH trên địa bàn; một số thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị vắng họp nhưng không có văn bản tham gia vào nội dung dự thảo Báo cáo gửi thư ký để tổng hợp báo cáo trước phiên họp và ghi sổ họp.

– Một số Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện chưa thực sự quan tâm triển khai các chính sách tín dụng, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, chưa quan tâm tham gia họp giao ban với Ngân hàng và kiểm tra, giám sát tại địa bàn.

– Một vài nơi, công tác phối hợp giữa Hội, đoàn thể và NHCSXH chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác (nhất là cấp xã), chưa thường xuyên kiểm tra hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn cũng như kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; công tác củng cố kiện toàn hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn chưa kịp thời; chưa chủ động đôn đốc hộ vay trả nợ khi đến hạn, nhất là nợ đến hạn theo phân kỳ,…

– UBND cấp xã và Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi tại một số nơi chưa quan tâm, phối hợp NHCSXH xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, các trường hợp bỏ đi khỏi nơi cư trú, dẫn đến chất lượng tín dụng tại một số địa bàn chưa cao.

– Một số địa phương dành nguồn ngân sách ủy thác qua NHCSXH chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW trong gian tới: Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nội dung sau:

– Thường xuyên tham mưu kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của NHCSXH đến cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị.

– Có giải pháp chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và Vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay.

– Thường xuyên quan tâm phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và Vay vốn để phát hiện tồn tại, kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời; hướng dẫn các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp, các Tổ tiết kiệm và Vay vốn về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách để phối hợp triển khai tại cơ sở.

– Tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chì đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp ủy, địa phương mình.

– Tiếp tục củng cố, nâng cao hoạt động của 127 điểm giao dịch xã tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

– Tiếp tục chủ động tham mưu tập trung các nguồn vốn nhàn rỗi có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội .

– Phấn đấu hàng năm 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện tích cho người nghèo, đối tượng chính sách khác. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức mức dưới 0,4%/tổng dư nợ, hàng năm giảm ít nhất 10% số lãi tồn đọng; trên 70% số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, không có tổ hoạt động yếu kém; Tăng trưởng dư nợ hàng năm trên 8%…

– NHCSXH tỉnh triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tập trung giải ngân vốn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, chủ động phối hợp với MTTQVN và các đoàn thể chính trị tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác xác nhận năng lực các hộ có đủ điều kiện vay vốn đồng thời thực hiện đúng quy định, đúng quy trình việc huy động tiền gửi tiết kiệm, làm tốt công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát vốn vay và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố theo chức năng nhiệm vụ của mình lãnh đạo, chỉ đạo tốt những việc như sau:

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng , chính sách pháp luật của nhà nước về tín dụng chính sách xã hội để cán bộ , đảng viên và nhân dân thấy được ý nghĩa, tính nhân văn sâu sắc của chính sách này từ đó quản lý, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả đúng mục đích.

– Hội đồng nhân dân, ủy ban nhận dân cấp tỉnh và cấp huyện tiếp tục quan tâm cân đối , bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với những người nghèo và các đối tượng chính sách.

– Cấp ủy, chính quyền , MTTQVN và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo điều tra , rà soát nắm chắc các hộ nghèo , hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều tại địa phương , quan tâm củng cố kiện toàn nhân sự tham gia BĐD HĐQT NHCSXH của cấp mình, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, thời gian làm việc của NHCSXH tại các điểm giao dịch, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cấp , các ngành.

– Các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng tăng cường các hoạt động hỗ trợ khuyến công , khuyến nông , khuyến lâm , khuyến ngư hỗ trợ kỹ thuật tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện của từng địa phương đồng thời chú trọng công tác tư vấn , chia sẻ kinh nghiệm , nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả giúp cho người dân sử dụng vốn vay hiệu quả đúng mục đích .

– Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội ;

– Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình dự án tín dụng chính sách xã hội tại địa phương .

– Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp cùa các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

– Cấp ủy Đảng, chính quyền cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, để các hội, đoàn thể thật sự quan tâm, có tinh thần trách nhiệm cao và hoàn thành tốt công việc nhận ủy thác, giúp địa phương hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà Nước đã đề ra.

Mặc dù NHCSXH Bình Thuận đã chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến cho rất nhiều người dân trên địa bàn. Nhưng trong thời gian gần đây, tại các buổi tiếp xúc cử tri và kiến nghị của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thì nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc là rất lớn, đời sống nhiều người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định,… Ngoài các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí, các hộ dân có mức thu nhập trên chuẩn cận nghèo vẫn còn nhiều và không đủ điều kiện để vay vốn ở các Ngân hàng thương mại, rất dễ sa vào hoạt động tín dụng đen, tình trạng lao động di cư về các trung tâm, thành phố lớn để tìm kiếm việc làm dẫn đến thiếu hụt lao động ở nông thôn, tạo áp lực cho khu vực đô thị ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị…

Các kiến nghị:

Kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu ban hành “chuẩn nghèo riêng” cao hơn chuẩn nghèo quốc gia cho địa phương, chỉ đạo phát triển đồng bộ các vùng miền, đầu tư tăng thêm nguồn vốn ngân sách tỉnh , huyện để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Kiến nghị NHCSXH Việt nam quan tâm, phân bổ nguồn vốn tăng trưởng dư nợ hàng năm tương đương với nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt nhu cầu vay vốn đối với chương trình cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với đối tượng là hộ có mức sống trung bình, hộ gia đình có từ 2-3 con đi học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. Nâng mức cho vay chương trình HSSV lên 20 triệu đồng/năm/HSSV, các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh lên mức 100 triệu đồng/hộ để đáp ứng nhu cầu vốn cho các hộ vay mở rộng quy mô đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình;

Hiệu quả của Tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH thời gian qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, các tổ chức và cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Tín dụng chính sách xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Duy Linh



Liên kết website: