Nâng cao giáo dục nghề nghiệp tạo hiệu quả giảm nghèo bền vững

Triển khai Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Thuận Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện khá tốt về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ đó tạo hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm địa phương

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hàm Thuận Nam, những năm qua, Ban Chỉ đạo đào tạo nghề các cấp đã chủ động chọn nghề đào tạo phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương. Cùng với đó, phương pháp đào tạo phù hợp với trình độ học vấn của người lao động, thời gian học được bố trí thích hợp tạo điều kiện cho người lao động tham gia học. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn được địa phương thực hiện đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát đã được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như: kiểm tra trực tiếp, giao cho UBND cấp xã nơi tổ chức các lớp học nghề cử cán bộ phụ trách theo dõi giám sát, quản lý lớp học…

Mô hình trồng rau sạch ở thị trấn Thuận Nam.

Song song đó, việc phát triển xây dựng chương trình, giáo trình đã được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện quan tâm; cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhờ đó, giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 2.640/2.480 lao động, đạt 106,5% kế hoạch; trong đó gần 1.000 lao động học nghề nông nghiệp và hơn 1.600 lao động học nghề phi nông nghiệp. Riêng năm 2023, toàn huyện đào tạo nghề đạt gần 400 lao động, trong đó, có gần 300 lao động học nghề nông nghiệp. Cùng với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm được huyện quan tâm triển khai. Riêng trong năm 2023 toàn huyện giải quyết việc làm cho trên 2.200 lao động, đạt 111% kế hoạch. Các nghề liên quan đến các ngành được lao động chọn làm gồm: Nông – Lâm – Ngư nghiệp; Công nghiệp – Xây dựng; Thương mại – Dịch vụ… Ngoài ra, trong năm có hơn 220 lao động đi làm việc ở ngoài địa phương.

Mô hình chăn nuôi vịt tại huyện Hàm Thuận Nam.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hàm Thuận Nam, quá trình triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, phòng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian đến. Trong đó, nổi rõ nhất là cần phải tăng cường công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và khảo sát nhu cầu học nghề cụ thể của người lao động tại các địa phương để đảm bảo sau khi học nghề có việc làm đúng với nghề được đào tạo. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề phải gắn với thị trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, đảm bảo được việc làm sau khi qua đào tạo nghề.

Mô hình trồng rau phát huy hiệu quả, giúp giảm nghèo bền vững.

Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%

Thời gian tới, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, huyện Hàm Thuận Nam đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt trên 60%; bình quân mỗi năm đào tạo nghề trên 400 lao động. Đồng thời, đa dạng các loại hình dạy nghề những nghề phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, đào tạo theo nhu cầu của người sử dụng lao động, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Cùng với đó, nâng cao vai trò chủ đạo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện trong công tác đào tạo nghề, mở rộng sự hợp tác với các cơ sở đào tạo nhằm tạo ra sự đa dạng công tác đào tạo.

Để đạt mục tiêu trên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của người lao động về việc học nghề; phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền từ đó từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân và định hướng lợi ích lâu dài của việc học nghề cho người lao động. Lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội tại địa phương nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho người lao động sau khi học nghề.

Mặt khác, lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp với trình độ học vấn của người lao động và bố trí thời gian học thích hợp tạo điều kiện cho người lao động tham gia học mà không ảnh hưởng đến lao động sản xuất hàng ngày. Bố trí giáo viên cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để chủ động hơn trong việc đào tạo nghề…

KIM ANH – Báo Bình Thuận

 



Liên kết website: