“Thủ phủ” thanh long thay đổi từ đồng vốn ưu đãi

Hộ nghèo dần vắng bóng

Với những người đã từng đặt chân đến Hàm Thuận Nam hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước sự thay đổi mau chóng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Giờ đây, người ta không chỉ biết đến Hàm Thuận Nam với núi Tà Cú, mũi Kê Gà và hàng loạt bãi tắm, bãi đá nhảy còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ… mà nơi đây còn là thủ phủ của trái thanh long – thứ trái cây xóa nghèo của vùng đất này. Theo Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Thuận Nam Nguyễn Minh, sự khởi sắc này có đóng góp không nhỏ của những đồng vốn tín dụng chính sách. Nguồn vốn không chỉ trợ lực kịp thời cho người dân nơi đây có vốn để trồng thanh long, chăn nuôi gia súc gia cầm cải thiện đời sống mà còn làm thay đổi nhận thức của họ. Từ chỗ chỉ mong đủ ăn, đủ mặc là được; giờ những người nghèo ở Hàm Thuận Nam đã biết khao khát làm giàu, khao khát được đi học và mở mang nhiều thứ.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đã xuất hiện nhiều tấm gương thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình chị Lê Thị Thoa ở thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh, từ hai bàn tay trắng, giờ đã sở hữu 300 trụ thanh long, mỗi năm thu nhập hơn 70 triệu đồng. Hay trường hợp của anh Phan Văn Nam ở thôn Lập Sơn, xã Tân Lập cũng vậy. Với suất vay 40 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo từ NHCSXH huyện để đầu tư nuôi bò sinh sản, chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình anh Nam đã sở hữu đàn bò trị giá hơn 70 triệu đồng và vườn thanh long đang đến kỳ thu hoạch.


Bí thư Nguyễn Minh (ngoài cùng bên trái) kiểm tra tình hình sử dụng vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã mang làn gió mới đến với các xã miền vúi vùng cao – vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hàm Thuận Nam. Đơn cử, 15 năm trước thôn Lò To, xã Hàm Cần vô cùng khó khăn. Thế nhưng đến nay, cuộc sống ở Lò To đã thay đổi nhanh chóng. Bà con không chỉ được vay vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH Hàm Thuận Nam với mức vay từ 20 – 50 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất, trồng cây thanh long, cây trôm, cây xoài, chăn nuôi bò, dê, gia cầm gà vịt… mà họ còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; được áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để gia tăng giá trị trên mỗi hécta đất. Trong đó, phải kể tới hộ anh Ngô Văn Hùng – từng nghèo xơ xác, nay đã có trong tay 500 – 700 trụ thanh long, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ dừng lại ở việc một vài hộ thoát nghèo, vươn lên bằng nguồn vốn tín dụng chính sách mà quan trọng hơn, chính những điển hình vượt lên khó khăn ấy đã lan tỏa tới các hộ nghèo khác; thổi bùng khát khao muốn đổi đời của những người nghèo, người yếu thế. Bằng chứng là nhiều hộ sau khi trả nợ đã xin vay tiếp để đầu tư mở rộng sản xuất; những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trước đây chưa mạnh dạn và không quen thì nay cũng đã mạnh dạn vay để làm kinh tế với mong muốn thoát nghèo.

“Điều đáng mừng nhất chính là sự chuyển đổi nhận thức trong cách làm ăn của bà con đồng bào” – Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch Hàm Thuận Nam Trần Thị Ngọc Minh khẳng định.

Đồng hành trên “mặt trận giảm nghèo”

Kết thúc 2018, Hàm Thuận Nam đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, điểm sáng là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn chưa đầy 2,9%. Kết quả đó, chắc chắn không thể thiếu vai trò xúc tác của các chương trình tín dụng chính sách như cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường. Từ nguồn vốn vay của các chương trình này đã giúp cho lao động nông thôn có thêm việc làm để tăng thu nhập. Đặc biệt, nhiều gia đình vùng nông thôn, trước đây sử dụng nguồn nước ao hồ, nước sông suối không bảo đảm, nay có vốn NHCSXH đã xây dựng được bể chứa nước, đường ống dẫn nước sạch về tận nhà và có nguồn nước hợp sinh để sinh hoạt trong gia đình.

Xác định mục tiêu hỗ trợ tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn có ưu đãi, NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam đã thực hiện đồng bộ từ công tác nghiệp vụ đến công tác phối hợp, liên tịch. Mạng lưới giao dịch được tổ chức sâu rộng tới từng điểm cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn. NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam đã đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giúp bà con mà không cần thế chấp tài sản. Nhờ đó, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã đến tay đúng đối tượng và kịp thời.

Đến thời điểm này, NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam đã giải ngân nguồn vốn các chương trình với tổng dư nợ hơn 238,8 tỷ đồng cho trên 9.000 lượt hộ vay còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo có 494 hộ vay còn dư nợ với tổng số vốn hơn 17,8 tỷ đồng; chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân cho 400 hộ vay với tổng số vốn hơn 10,4 tỷ đồng; chương trình cho vay học sinh, sinh viên với 804 học sinh với dư nợ 19,9 tỷ đồng; chương trình vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường đã giải ngân cho 6.412 hộ vay với tổng số vốn hơn 76,3 tỷ đồng.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Thuận Nam Nguyễn Minh, trong điều kiện cần nhiều nguồn lực để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn; không để tín dụng đen có cơ hội len lỏi đến người dân thì nguồn vốn từ NHCSXH là một trong những động lực đáng kể để giúp các đối tượng khó khăn, yếu thế từng bước vươn lên và giúp chính quyền huyện giải bài toán giảm nghèo.

Bình Nhi – baodaibieunhandan.vn



Liên kết website: