Tiếp vốn giúp nông dân tái sản xuất
Dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có việc lưu thông, tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Vì vậy, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế để xoay xở trong thời điểm dịch bệnh là cần thiết.
Đồng hành cùng nông dân vượt qua đại dịch
Anh Huỳnh Văn Thanh ở thôn Phú Điền, xã Phú Lạc (Tuy Phong) là hộ nghèo của xã. Kinh tế chính của gia đình anh phụ thuộc vào 1 ha đất trồng các loại rau màu hành tím, đậu phộng và một số ít diện tích trồng bắp. Năm nay, tình hình tiêu thụ các loại rau màu gặp nhiều khó khăn, vì vậy anh Thanh mạnh dạn vay vốn để chuyển hướng kinh tế đầu tư nuôi thêm bò. Anh Thanh nói: “Sau khi tính toán tôi quyết định tìm thêm hướng đi nữa để tăng thu nhập gia đình nên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Trong tháng 10 này, tôi vừa được ngân hàng giải ngân 100 triệu đồng mua 4 con bò vỗ béo. Cách đây vài năm tôi vay vốn trồng trọt là chính, bây giờ mạnh dạn đầu tư sang chăn nuôi. Điều khiến tôi lo lắng là ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tiêu thụ thịt bò chững lại, thương lái không mua. Chỉ mong dịch bệnh qua mau cuộc sống quay trở lại bình thường”. Nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tuy Phong tập trung vay vốn tái sản xuất, các hộ dân chủ yếu sử dụng nguồn vốn để chăn nuôi bò, mua sắm ngư lưới cụ. Riêng trong 3 tháng gần đây doanh số cho vay tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong là 19,7 tỷ đồng, giải quyết cho 586 hộ vay, trong đó tái sản xuất, kinh doanh nông hộ đã giải quyết 212 hộ với số tiền vay là 8,83 tỷ đồng.
Tại huyện Tuy Phong số ca mắc Covid – 19 gần đây tăng cao, nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được địa phương tăng cường. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong linh hoạt chuyển tải đồng vốn chính sách đến người dân song song với thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Ông Đặng Công Đạm – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong cho hay: “Phòng Giao dịch đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, nắm bắt diễn biến dịch Covid-19. Từ đó, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng vay vốn từng địa bàn kịp thời giúp người dân tiếp cận vốn vay tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giúp hộ vay có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình”.
Những khó khăn
Tính đến tháng 10/2021, tổng doanh số cho vay của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong là 75,13 tỷ đồng giải quyết cho 2.754 lượt hộ vay vốn. Riêng tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn huyện là 363,5 tỷ đồng, đạt 98,5% KH năm, tỷ lệ tăng trưởng 8,7%. Đến nay, các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn huyện gồm: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân đang quản lý 290 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với dư nợ ủy thác đạt 363.007 đồng/13.4449 hộ, chiếm 99,8% tổng dư nợ của NHCSXH huyện.
Ông Nguyễn Trung Trực – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong – Trưởng Ban đại diện NHCSXH huyện cho biết: “Địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai và quản lý tốt hoạt động tín dụng chính sách, từ rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo định kỳ năm và phát sinh trong năm, tạo điều kiện các hộ được tiếp cận vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Các xã, thị trấn thông qua các trưởng thôn, khu phố theo dõi thường xuyên công tác giám sát ngay từ khi bình xét cho vay tại TTK&VV, hướng dẫn người nghèo thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả”.
Tuy nhiên, hiện nay diễn biến dịch Covid – 19 phức tạp, còn các ca nhiễm ngoài cộng đồng, một số xã (thôn, khu phố) bị phong tỏa đã tác động đến đời sống, thu nhập của nhân dân. Từ đó, đã ảnh hưởng đến việc thu lãi, huy động tiết kiệm, xử lý hồ sơ cho vay, thu nợ. Trong khi đó, hoạt động giao dịch xã phải tạm dừng (đã tạm dừng 21 phiên giao dịch xã/11 xã, thị trấn), làm nợ quá hạn tiếp tục tăng mà nguyên nhân chủ yếu do hộ vay đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ để đôn đốc thu hồi. Hiện toàn huyện có 35 hộ đi khỏi địa phương, dư nợ 547 triệu đồng.
Thanh Duyên – Báo Bình Thuận