Chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện vùng khó khăn

Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Thuận PHẠM ANH ĐỨC cho hay, với hơn 1/3 số hộ dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để giải quyết việc làm, tăng thu nhập… đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trở thành kênh tín dụng quan trọng trong việc thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 45 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo điều kiện giúp cho trên 271 nghìn hộ chuyển biến nhận thức về cách thức làm ăn; thu hút, tạo việc làm cho trên 69 nghìn lao động; giúp hơn 80 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 205 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường…

Tạo đột phá trong giảm nghèo

– Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh?

– Với nhiệm vụ Chính phủ giao, chi nhánh đã bám sát Nghị quyết HĐND tỉnh, Hội đồng quản trị NHCSXH, chỉ đạo của Tổng giám đốc NHCSXH, UBND tỉnh và Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và cấp huyện. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và các mặt hoạt động khác, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh – chính trị, xây dựng nông thôn mới trong tỉnh.

Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh đạt 2.305 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,2%. Dư nợ tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng về quy mô và ngày càng được cải thiện về chất lượng. Tổng dư nợ cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đến nay đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 2.143 tỷ đồng (gấp 17 lần) so với thời điểm nhận bàn giao khi thành lập, với trên 100 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn; nợ quá hạn hiện nay chỉ chiếm dưới 0,5% trên tổng dư nợ (khi nhận bàn giao nợ quá hạn chiếm tới 8,5% trên tổng dư nợ).

– Nguồn vốn đã tác động đến phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương nhất là công cuộc giảm nghèo như thế nào, thưa ông?

– 15 năm qua, hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trở thành kênh tín dụng quan trọng trong việc thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Nhờ đó, đã có trên 471 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, trong đó có trên 53 nghìn lượt hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể khẳng định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là đòn bẩy kinh tế, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tín dụng chính sách xã hội đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, nâng cao nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Quan trọng là tăng hiệu quả nguồn vốn

– Cái được lớn nhất mà nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại cho người nghèo và các đối tượng chính sách là gì, thưa ông?

– Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH, đã hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

– Theo ông, trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn có điều gì cần tháo gỡ?

– Đến nay, hơn 1/3 hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Nói chung nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tương chính sách. Điều quan tâm nhất của chi nhánh là hiệu quả sử dụng vốn, một số nơi công tác phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chưa được quan tâm đúng mức.

Sau hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, trong đó tập trung các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn… Tôi tin rằng hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới.

– Xin cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện

Thái Bình (daibieunhandan.vn)



Liên kết website: