Giúp đồng bào K’ho làm kinh tế
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, người phụ nữ K’ho Hoàng Thị Hà đã giúp cộng đồng dân tộc thiểu số trong xã Măng Tố làm kinh tế gia đình khá lên bằng nghề đan lát thủ công mỹ nghệ…
Ở Măng Tố (Tánh Linh), nhiều người rất nể chị Hà bởi chị là tấm gương sáng khi giúp hàng chục hộ có việc làm ổn định, thu nhập khá. Đáng nói hơn là thay đổi được thói quen lạc hậu, tồn tại hàng chục năm nay của người K’ho mỗi khi vào vụ sản xuất là phải vay mượn tiền của tư thương để rồi sau đó phải bán sản phẩm khi thu hoạch với giá “bị ép” vì đã vay tiền. Ở Măng Tố, xã thuần đồng bào dân thộc thiểu số, mặc dù được Nhà nước đầu tư về dân sinh kinh tế nhưng do trình độ dân trí và những hạn chế về nhận thức nên nhiều hộ vẫn còn khó khăn. Với chị Hà, nhờ có đam mê về mỹ thuật, kỹ thuật đan lát nên vào khoảng năm 2010 khi có công ty ở TP. Hồ Chí Minh muốn dạy nghề và đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, chị đã đăng ký theo học.
Đam mê nhưng chị cũng suýt bỏ cuộc vì “thân gái dặm trường” một mình khăn gói vào tận thành phố học nghề, có lần đi học bị tai nạn gãy tay nên khó khăn chồng chất khó khăn. Hoàn thành khóa học về kỹ năng đan lát, tiếp cận với cách làm hiện đại, nhưng khi về nhà chị phải đối mặt với nguồn vốn đầu tư. Được sự ủng hộ của Hội Phụ nữ, chính quyền, chị được vay vốn 30 triệu đồng trong chương trình sản xuất vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn ít chị đầu tư nhỏ, truyền đạt lại kiến thức cho chị em phụ nữ K’ho trong xã, ban đầu chỉ chục hộ rồi cứ nhân lên từ từ.
Anh Bùi Phương Hùng – Chủ tịch UBND xã Măng Tố chia sẻ với tôi: Với đồng bào K’ho, bên cạnh được Ban Dân tộc đầu tư, lâu nay cứ vào đầu vụ là hay ứng trước tiền của tư thương mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống… để sản xuất từ cây lúa cho đến các loại cây trồng khác. Do vậy đến khi thu hoạch phải bán lại sản phẩm cho tư thương với mức thấp hơn giá thị trường. Bị thiệt thòi nhưng hệ lụy ấy kéo dài nhiều năm bà con chưa thoát ra được. Khi chị Hà mở cơ sở đan lát mỹ nghệ mây, lục bình, cho bà con ứng trước vốn để đầu tư vào sản xuất, nhiều người đã chủ động và không lệ thuộc vào việc ứng trước tiền của tư thương, sản phẩm nông nghiệp làm ra được tự do bán theo giá thị trường. Giải quyết việc làm cho phụ nữ, tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình là công khá lớn của chị Hà trong xây dựng nông thôn mới của xã…
Với sản phẩm gia công các mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu, chị Hà khá nhạy khi công ty gửi mẫu mới về làm, chị đều đáp ứng đủ nên công ty rất tín nhiệm, làm ăn có hiệu quả chị được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Tánh Linh cho vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Có vốn, chị mở rộng dạy nghề cho bà con và mở rộng hoạt động cơ sở gia công các mặt hàng mỹ nghệ như kệ để sách báo, sản phẩm cho giới văn phòng, khách sạn… Do nhận gia công nên công việc đan lát được phụ nữ K’ho hay dành làm thêm ngoài giờ vào ban trưa hoặc buổi tối sau khi xong việc nương rẫy, đồng áng. Với mức thu nhập từ 3 – 4,5 triệu đồng/tháng (ăn theo sản phẩm), nhiều hộ gia đình K’ho làm cho cơ sở chị Hà đã có “của ăn của để”. Chị Dòng Thị Yển và Nguyễn Thị Thương đã gắn bó với cơ sở của chị Hà 5 năm nay, với mức thu nhập bình quân 4 – 4,5 triệu đồng/ tháng, dù con đông nhưng biết tích lũy nên chị Yển đã xây được nhà khá to, chị Thương cũng có cuộc sống sung túc hơn.
Cơ sở gia công mỹ nghệ của chị Hà thường nhận giải quyết khoảng 30 lao động, khi hàng về nhiều giải quyết từ 50 – 60 lao động, hầu hết là phụ nữ K’ho. Dù giúp giải quyết việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn với thu nhập cao so với mặt bằng trong khu vực, nhưng chị Hà khá khiêm tốn, khi Đại biểu Quốc hội ghé thăm cơ sở, chị vẫn không muốn đưa thông tin lên báo chí vì: “Tôi mới làm có tí việc chưa lớn lao gì so với người khác…”. Người phụ nữ K’ho Hoàng Thị Hà vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời giúp cho phụ nữ đồng bào mình có việc làm, thu nhập tốt, cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình, là tấm gương đáng biểu dương và nhân rộng mô hình…
Trần Thi – Báo Bình Thuận