Hiệu quả từ những “đồng vốn nghĩa tình”

Thời gian qua, tín dụng chính sách là đòn bẩy kinh tế giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Từ đó, góp phần đáng kể để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội là công cụ tài chính đắc lực giúp địa phương trong tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ông Thông Đinh Phụng – đồng bào Chăm ở thôn Lâm Thuận (xã Hàm Phú – Hàm Thuận Bắc) cho biết: Kinh tế gia đình lúc trước rất khó khăn, nhờ đồng vốn tín dụng chính sách gia đình đã có nguồn vốn đầu tư sản xuất. Đến nay, ông Phụng đã trồng 1,2 ha keo lá tràm, 4,5 ha lúa và hơn 1.000 trụ thanh long cho thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng trở thành điển hình làm kinh tế ở xã.

Người dân thu hoạch lúa ở thôn Phú Sơn – xã Hàm Phú.

Còn ở thôn Phú Sơn cũng thuộc xã Hàm Phú là thôn vùng sâu, vùng xa của xã dân cư sống thưa thớt, rải rác. Toàn thôn có 217 hộ, trong đó hộ nghèo là 31 hộ (chiếm 14,3%), hộ cận nghèo 34 hộ chủ yếu sống bằng nghề nông. Trưởng thôn Phú Sơn, ông Phan Văn Anh cho biết: “Trước đây, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, từ khi có các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hàng năm trong thôn nhiều hộ khó khăn có vốn sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững, kinh tế gia đình khấm khá. Tổng dư nợ của thôn Phú Sơn đạt trên 3 tỷ đồng giúp cho 103 hộ vay. Trong đó, dư nợ hộ nghèo 642 triệu đồng/20 hộ vay, hộ cận nghèo trên 1 tỷ đồng/32 hộ vay, hộ mới thoát nghèo 265 triệu đồng/12 hộ; học sinh sinh viên 145 triệu đồng/4 hộ; giải quyết việc làm 244 triệu đồng/9 hộ, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 698 triệu đồng/66 hộ. Toàn thôn có 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên xã quản lý, không có nợ quá hạn”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế gia đình

Bà Võ Thị Minh Thảo – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã giải ngân 309 tỷ đồng đến gần 7.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay ưu đãi. Tổng dư nợ thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.057 tỷ đồng với 108,1 ngàn lượt hộ vay vốn, hoàn thành 45,53% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao năm 2023. Nhìn chung, các hộ vay vốn luôn nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong sử dụng vốn hiệu quả, có ý thức trả nợ, dành dụm gửi tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo bền vững và nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả được nhân rộng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, trong 3 tháng đầu năm đã có 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn kịp thời đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trên 1.000 lao động được tạo việc làm, trên 4,2 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, 8 hộ có thu nhập thấp xây nhà, mua nhà ở xã hội và trên 7,1 ngàn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh được xây mới.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, hơn 1 năm qua đã giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, dần vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 để lại. Năm 2023 các địa phương xây dựng kế hoạch vốn chương trình này là 255 tỷ đồng gồm 2 chương trình cho vay: Nhà ở xã hội là 50 tỷ đồng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 12 tỷ đồng. Trong quý I, chi nhánh đã giải ngân đến 24 hộ vay với số tiền 3,8 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11 đạt 340,5 tỷ đồng, đạt 81,9% KH…

Để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động. Hoạt động của Tổ TK&VV thường xuyên được quan tâm, duy trì nề nếp, ổn định. Hiện toàn tỉnh có 2.306 Tổ TK&VV, trong đó có 1.893 Tổ TK&VV xếp loại tốt, chiếm 82,1%.

T.DUYÊN – Báo Bình Thuận



Liên kết website: