Tín dụng chính sách xã hội: Trụ cột quan trọng để giảm nghèo và phát triển bền vững

Những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tạo điều kiện để người nghèo có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Đòn bẩy kinh tế cho người nghèo

Sáng 15/7/2020, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: 15.697 tỷ đồng là nguồn vốn ủy thác từ địa phương đã được huy động từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời tính đến ngày 30/6/2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp gần 4,1 lần so với giai đoạn trước, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 19.505 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận

Trên phạm vi cả nước, tính đến 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, với trên 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Doanh số cho vay từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới…, góp phần giúp trên 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động…

Có thể khẳng định, chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo trên cả nước giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (2015) xuống còn 5,23% (2018); 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900.000 lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.

Bình Thuận phát huy hiệu quả vai trò tín dụng chính sách xã hội

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Chương trình hành động số 33-NQ/TU ngày 24/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã quán triệt, triển khai và có nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tín dụng chính sách trong đời sống xã hội.

Sau gần 06 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, quy mô nguồn vốn trong đó có nguồn ngân sách địa phương ủy thác và dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được bổ sung, tăng trưởng khá, chất lượng và hiệu quả được đảm bảo. Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng nguồn vốn đạt 2.859 tỷ đồng, tăng 71% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Thực hiện Chương trình hành động số 33-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; HĐND và UBND các cấp đã quan tâm cân đối nguồn ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, lũy kế đến ngày 30/6/2020, nguồn vốn ngân sách đã chuyển 79 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,8% tổng nguồn vốn, trong đó giai đoạn từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, nguồn ngân sách địa phương tăng 58,5 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị. Nguồn vốn này đã góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương có hiệu quả.

Tổng dư nợ tính đến ngày 30/6/2020 đạt 2.859 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2014, với trên 100.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% các thôn, khu phố trong toàn tỉnh, góp phần giúp 32.700 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động; giúp trên 11.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 145.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng nhà để ở giai đoạn 2 cho 120 hộ nghèo; xây dựng mới và mua nhà ở xã hội cho 112 khách hàng có thu nhập thấp; gần 17.000 hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh…

Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn, vùng khó khăn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện. Từ đó, tạo ra sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình an ninh, trật tự và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Với những kết quả đạt được như trên, có thể khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, là kim chỉ nam quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Vốn tín dụng được triển khai sâu rộng đến các xã, phường; nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cao. Nhờ thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, góp phần tăng trưởng kinh tế chung.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, đề xuất với Ban Bí thư ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, cần đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, để thực hiện tốt hơn công tác tín dụng chính sách xã hội, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Hữu Tri (binhthuan.gov.vn)



Liên kết website: