Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư tại huyện Hàm Thuận Nam


Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Thực hiện Chương trình Hành động số 33-NQ/TU ngày 24/02/2015 Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch 161-KH/HU ngày 14/5/2015 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng, chính sách xã hội. Huyện Hàm Thuận Nam đã đạt được một số kết quả đáng trân trọng.

Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cụ thể: Bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã,…Ngoài ra, huyện quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH cho vay từ khi có Chỉ thị đến nay là 1.500 triệu đồng, bằng 150% so với lũy lế nguồn vốn ngân sách ủy thác trước khi có Chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt 2.525 triệu đồng.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốtvới NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tại những địa bàn còn chưa tốt; nhất là việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, trong đó, tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn đúng quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội…

Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Hiện nay, NHCSXH thực hiện tổ chức giao dịch tại 13 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn; phối hợp vói chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội quản lý ….. Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, khu phố, đã góp phần công khai được các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH; người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị-xã hội, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương. Qua đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH; chính quyền các xã, thị trấn cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.

Việc nâng cao hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính trị – xã hội, qua đó được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí… Hiện nay, 4 tổ chức chính trị – xã hội đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý hơn 9.000 hộ vay vốn, với số tiền 248 tỷ đồng, chiếm trên 99,9 tổng dư nợ tín dụng.

Năng lực và hiệu quả hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH huyện được nâng cao kể từ khi thực hiện Chỉ thị, Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 249 tỷ đồng, tăng 92 tỷ đồng (+60,4%) so với từ khi có Chỉ thị; tổng dư nợ đạt 248,7 tỷ đồng, tăng 91 tỷ đồng (+60%) so với từ khi có Chỉ thị với hơn 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% thôn, khu phố của huyện. NHCSXH đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Trong gần 5 năm qua, số vốn NHCSXH giải ngân cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 290 tỷ đồng, số vốn thu hồi nợ đạt 199 tỷ đồng.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. NHCSXH cùng các tổ chức chính trị – xã hội và chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; chú trọng tới việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hộicủng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ TK&VV tại cơ sở; chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và thực hiện nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với chính quyền thôn, xã, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ. Từ đó nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,4 %/ tổng dư nợ, riêng nợ quá hạn tại thời điểm 31/12/2018 chỉ chiếm 0,26%/ tổng dư nợ.

Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, là kim chỉ nam quan trọng trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Ngọc Minh



Liên kết website: