Thoát nghèo và ổn định sinh kế nhờ vốn vay
Chuyện vay vốn thoát nghèo ở xã Hàm Minh là một điển hình, trong việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Bởi đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, đời sống, thu nhập của người nghèo được cải thiện, nâng lên đáng kể.
Phát huy tốt nguồn vốn vay
Nắng đã lên đến đỉnh đầu, nhưng ông Lục Tấn Hoàng (thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) vẫn đang chăm chỉ làm việc bên những con bò lai to khỏe trong vườn. Khi chúng tôi tìm đến, dù mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt và bộ đồ bảo hộ, nhưng vợ chồng ông Hoàng vẫn nở nụ cười đón tiếp. Gia đình ông đang rất vui, vì nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, mới có thành quả là 10 con bò như hiện nay, giúp ông thoát nghèo, ổn định sinh kế.
Ông Hoàng kể, cách đây 3 năm, vợ chồng ông là một trong những hộ gia đình thoát nghèo trên địa bàn xã Hàm Minh, có tên trong danh sách vay vốn hỗ trợ của Ngân hàng chính sách với số vốn 50 triệu đồng để sản xuất thanh long. Nhưng thời điểm ấy cũng là thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cộng với giá cả thị trường thanh long xuống thấp nên mục tiêu ấy chưa thực hiện được. Vợ chồng ông được sự hỗ trợ thủ tục của Hội Nông dân xã để chuyển đổi mục đích vay vốn sang chăn nuôi bò. Với số tiền 50 triệu đồng trong tay, ông Hoàng tìm mua được một cặp bò lai 3B mẹ con với giá 48 triệu đồng, còn lại 2 triệu đồng làm chi phí sửa chữa chuồng trại.
Ông Lục Tấn Hoàng và con bò lai giá trị, có được từ vốn vay chính sách (ảnh K.H).
Sau 3 năm cố gắng, chăm chỉ làm ăn, tập trung chăn nuôi, đến thời điểm này thành quả đạt được của gia đình là 10 con bò lớn nhỏ (đã bán được 2 con với giá trên 30 triệu đồng). Ông Hoàng cười khà thông báo tin vui, dịp tết Nguyên Đán sắp tới đàn bò sẽ sinh thêm 2 con nữa. Chủ hộ này chia sẻ thêm, chỉ sau 3 năm gầy dựng chăn nuôi từ nguồn vốn vay, nếu tính giá trị đàn bò đến nay đã khoảng hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, cùng với việc chăn nuôi bò và chăm sóc 500 trụ thanh long, đời sống kinh tế của gia đình ổn định hơn trước, nhất là tạo công ăn việc làm cho các thành viên, thoát nghèo bền vững.
Cùng được hưởng lợi từ nguồn vốn vay chính sách, hộ ông Lê Văn Đông (tổ 7, thôn Minh Thành, xã Hàm Minh) cũng được vay vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng. Từ 2 con bò mua từ nguồn vốn, đến nay gia đình ông Đông đã chăm sóc, nhân lên được 6 con bò, sử dụng đúng mục đích vốn vay, gia tăng lợi nhuận, góp phần giảm nghèo và ổn định cuộc sống…
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Theo UBND xã Hàm Minh, xã hiện có 2.510 hộ trong đó có 80% hộ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Trong đó cây trồng chủ lực là thanh long. Hiện nhu cầu vay vốn của các hộ nông dân rất nhiều, nhưng trước khi làm hồ sơ cho các hộ nghèo, thoát nghèo vay vốn, tổ vay sẽ đi đến từng hộ để khảo sát nhu cầu của gia đình. Chủ hộ vay vốn phải có khả năng trả nợ, sử dụng đúng mục đích. Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo bổ sung và phát sinh năm 2023 của giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn xã cho thấy, hộ nghèo đã giảm 3 hộ, xuống còn 46 hộ, tỷ lệ 1,66%; hộ cận nghèo giảm 5 hộ, còn 58 hộ, tỷ lệ 2,1%. Hộ làm nông nghiệp có mức sống trung bình là 108 hộ /425 khẩu, chiếm tỷ lệ 3,92%.
KIỀU HẰNG – Báo Bình Thuận